Các nhà khoa học cho biết các vùng đất than bùn trên thế giới sẽ trở thành một nguồn phát thải khí nhà kính lớn khi nhiệt độ tăng lên trong thế kỷ này.
Hiện tại, một lượng lớn các-bon được lưu trữ trong các vùng sa lầy, thường bị đóng băng trải dài khắp các vùng phía bắc của thế giới. Các chuyên gia cho biết phần đất đai đóng băng này sẽ tan trong thế kỷ này, giải phóng một lượng khí nhà kính không hề nhỏ với tốc độ lớn hơn từ 30 đến 50% so với ước tính trước đây.
Trải dài trên các khu vực rộng lớn của nửa phía bắc của thế giới, các vùng đất than bùn đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống khí hậu toàn cầu. Trải qua hàng nghìn năm, chúng đã tích lũy một lượng lớn carbon và nitơ, giúp cho khí hậu Trái đất luôn mát mẻ.
Mặc dù vậy, các nhà khoa học cho rằng các vùng đất than bùn – kể cả những vùng bị đóng băng vĩnh viễn đều dễ bị tổn thương khi nhiệt độ Trái đất nóng lên. Cho đến nay, việc thiếu các bản đồ chính xác đã gây khó khăn cho việc ước tính đầy đủ tác động của khí hậu đối với than bùn.
Sử dụng dữ liệu tổng hợp từ hơn 7.000 quan sát thực địa, các tác giả của nghiên cứu đã tạo ra các bản đồ về các vùng đất than bùn, độ sâu của chúng cũng như lượng khí nóng thải mà chúng chứa đựng. Theo đó, có khoảng 3,7 triệu km2 vùng bùn lầy trên thế giới.
Các nhà nghiên cứu cho biết vùng đất than bùn phía bắc lưu trữ khoảng 415 gigatonnes carbon. Con số này gần tương đương với 46 năm lượng khí thải CO2 toàn cầu hiện tại. Trong nghiên cứu của mình, các tác giả dự đoán rằng các vùng đất than bùn sẽ trở thành một nguồn phát thải CO2 chính khi thế giới ấm lên.
Một câu hỏi quan trọng là khi nào điều này sẽ xảy ra? Tác giả chính Gustaf Hugelius từ Đại học Stockholm, Thụy Điển cho biết: “Thật không may, chúng tôi không thể đưa ra thời gian chính xác cho dự đoán này nhưng ước tính tốt nhất của tôi là sự thay đổi này sẽ xảy ra vào nửa sau của thế kỷ.”
Vậy tác động có thể xảy ra của sự tan băng này là gì? Các tác giả báo cáo nói rằng: lượng carbon thải ra từ quá trình tan băng và sự thất thoát than bùn sẽ chảy vào sông và suối, lớn hơn 30-50% so với những dự báo trước đây về lượng carbon do tan băng vĩnh cửu.
Nếu con số trên là chính xác thì chúng sẽ tương đương với lượng phát thải hàng năm của EU và Vương quốc Anh vào năm 2100.
Tiến sĩ Hugelius cho biết: “Cách duy nhất để hạn chế sự phát thải carbon từ các đầm lầy đóng băng là giảm sự nóng lên toàn cầu bởi vì Bắc Cực ấm lên nhanh gấp đôi so với phần còn lại của địa cầu. Những tác động của con người khiến Trái đất ấm lên, đang tàn phá các phần bị đóng băng vĩnh viễn của địa cầu.”
Các chuyên gia cho rằng với sự đầu tư đúng đắn để bảo vệ và phục hồi các vùng đất than bùn không bị đóng băng, các vũng lầy có thể tiếp tục hấp thụ và tích trữ một lượng lớn CO2. Tương tự như vậy, khi than bùn đóng băng tan ra, nó bắt đầu có khả năng phát triển thực vật và lưu trữ khí nóng.
Trong khi nghiên cứu mới cho biết có thể mất vài thế kỷ để các vùng đất than bùn bắt đầu hấp thụ một lượng lớn CO2, những người khác tin rằng nó có thể xảy ra sớm hơn.